Trong những ngày qua, Giáo hội mời gọi chúng ta cùng bước theo Chúa Giê-su qua các chặng đường thập giá của Ngài. Con Thiên Chúa đã hy sinh và chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Hành trình đó không dừng lại ở cái chết trên thập giá mà là đi đến sự Phục Sinh trong vinh quang. Thiên Chúa tỏ lộ tình yêu của Ngài nơi cây Thánh giá của Chúa Giê-su, và từ biến cố Phục sinh mở ra cho nhân loại một thế mới, một hy vọng mới và một niềm vui mới được khắc họa rõ nét trong Tin mừng của thánh Gioan.
Vào ngày thứ nhất trong tuần, khi trời còn tối, bà Maria Madalena đi đến mộ để viếng xác Chúa Giê-su, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, bà liền chạy về báo tin cho ông Phê-rô và Gioan. Bà nói, ” Người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Thế là Phê-rô và Gioan chạy ra mộ. Họ nhìn thấy những tấm băng vải ở đó, nhưng không thấy xác Chúa Giê-su. Họ đã thấy và đã tin. Họ hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su chỗi dậy từ cõi chết. Còn thánh Luca thuật lại, khi trời vừa tảng sáng các bà đi ra mộ thì thấy tảng đá lăn ra, nhưng không thấy xác Chúa Giê-su đâu, trong lúc các bà đang còn hoang mang và lo sợ, họ thấy có hai người đàn ông mặc y phục sáng chói, bên cạnh họ, và nói:” Sao các bà lại tìm Người sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi…” Và tới khi Chúa Giê-su bảo: ” Thầy đây, đừng sợ”, thì các bà vui mừng chạy về loan tin cho mọi người Chúa đã sống lại.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, các tông đồ và các người phụ nữ đi theo Chúa là những người đầu tiên chứng kiến việc Chúa Giê-su Phục sinh, họ đã nhìn thấy các dấu tích để lại: ngôi mộ trống, chiếc khăn liệm và tảng đá lăn ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đi sâu vào chi tiết tại sao tảng đá đã lăn ra? Vì theo phong tục của người Do Thái, họ chôn xác người chết vào trong một cái hang đá, rồi họ lấy một tảng đá to để đậy lại. Cho nên, khi các bà đến nơi, họ thấy tảng đá đó lăn ra khỏi mộ.
Sau khi đóng đinh Chúa Giê-su lên cây thập giá và đưa xác Ngài vào trong mồ, thì các quân lính, thượng tế, biệt phái và kinh sư nghĩ rằng, họ yên tâm và nắm chắc phần thắng khi niêm phong cửa mồ với thân xác của Chúa Giê-su trong đó. Và khi tảng đá đã khóa chặt Chúa Giê-su trong mồ. Tảng đá đó thể hiện sức mạnh quyền lực của sự dữ và sự thống trị của con người chiến thắng. Và cuộc đời của Chúa Giê-su bị chấm hết bằng cái chết, thì đó quả là một thất bại ê chề và chua chát. Ngài thất bại vì không cứu được nhân loại. Thất bại vì phải chết nhục nhã dưới bàn tay con người. Thất bại vì chân lý và lời rao giảng của Ngài đã trở nên vô nghĩa.
Nhưng, khi Chúa Giê-su sống lại, thì chân lý đã chiến thắng, tình yêu vượt lên trên sự hận thù và sự sống mạnh hơn sự chết. Sự Phục sinh của Chúa Giê-su đa chiến thắng trước sự gian ác của con người. Hơn nữa, Phục sinh của Chúa Giê-su là niềm tin và hy vọng cho người Ki-tô hữu vào sự sống mai sau. Như lời thánh Phao-lô nói: ” Nếu chúng ta đã chết với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.” (Rm 6,8)
Ngày xưa, người Do thái đã dùng tảng đá để khóa chặt xác người trong huyệt đá, thì hôm nay con người cũng đang bị những tảng đá vô hình đang đè nặng trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Đó là những tảng đá của tội lỗi, dục vọng, đam mê, tiền tài, danh vọng, quyền lực, ghen ghét, hận thù và ích kỷ đang thống trị con người chúng ta. Những tảng đá vô hình đó làm ngăn cản đời sống thiêng liêng và lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa.
Ngày này, chúng ta dễ dàng bỏ Chúa vì chạy theo bổng lộc của cải thế gian, vì quyền lời và nhu cầu của thể xác, mà ta quên đi giá trị thiêng liêng tinh thần và ơn thánh Chúa để chữa lành những tâm hồn mang đầy thương tích của tội lỗi và kiêu căng. Cho nên, chỉ khi nào tảng đá vô hình đó lăn ra khỏi lòng mình, thì niềm vui Phục sinh mới thật sự giải phóng tâm hồn của chúng ta ra khỏi sự bất an, buồn phiền, đau khổ, và thay vào đó là niềm vui, bình an và hạnh phúc.
Hôm nay, chúng ta vui mừng lễ Chúa Phục sinh chỉ có ý nghĩa thực sự khi chúng ta đón nhận được tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa trong tâm hồn. Tình yêu mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta qua Người Con của Ngài, chính là Đức Giê-su. Ngài đã tự hủy và chết thay cho tội lỗi của chúng ta.
Giờ đây, chúng ta cũng hãy học nơi Ngài bằng đời sống cho đi và lòng yêu thương tha thứ. Đó là cách thể hiện niềm tin, hy vọng và mong đợi của chúng ta vào sự Phục sinh của Chúa Giê-su trên nền tảng chứng nhân của các tông đồ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con cũng biết ra đi và loan truyền niềm vui Chúa Phục Sinh nơi gia đình và cho anh chị em chúng con.
Lm. John Nguyễn, Utica, New York.