Tinh thần trách nhiệm

Thế giới này quá ư nặng nề nếu chỉ một người vác lấy, và đôi vai một ai đó sẽ không đủ vững vàng để nâng đỡ cả địa cầu này. Do đó, tinh thần đồng trách nhiệm ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu trong thế giới này, trong bất cứ một tổ chức, một cộng đồng hay một tập thể nào. Minh chứng sự quan trọng và khẩn thiết của tinh thần trách nhiệm, tác giả xin minh dẫn một mẩu chuyện vui và chia sẻ đôi điều về trách nhiệm của con người đối với thế giới này.

Có bốn người cùng làm việc trong một Hội đồng Mục vụ tại một Giáo xứ nọ. Tên của họ lần lượt là: MỌI NGƯỜI, MỘT NGƯỜI NÀO ĐÓ, BẤT CỨ AI VÀ KHÔNG MỘT AI. Một hôm, Giáo xứ có công việc hệ trọng và MỌI NGƯỜI được yêu cầu làm công việc đó. Tuy nhiên, MỌI NGƯỜI nghĩ rằng: MỘT NGƯỜI NÀO ĐÓ SẼ LÀM. Thế nhưng, trong số họ, KHÔNG AI nhận ra rằng: MỌI NGƯỜI sẽ không làm việc đó. Thế là cuối cùng xảy ra MỌI NGƯỜI trách cứ MỘT NGƯỜI NÀO ĐÓ. Thế nhưng, xét cho cùng KHÔNG MỘT AI có thể trách cứ BẤT CỨ AI về tất cả những gì đã xảy ra.

Bạn có suy nghĩ gì khi đọc câu chuyện xem ra có vẻ lắt léo trên đây? Tại sao người ta lại sợ trách nhiệm đến thế? Đâu là bí quyết giúp ta sống có tinh thần trách nhiệm? Đó là những câu hỏi đang cần được giải đáp sao cho thỏa đáng.

         Chúng ta biết rằng: Bình minh của lịch sử dân tộc Việt Nam khởi đi từ việc săn bắt, hái lượm với cuộc sống hoang dã, bầy đàn. Trang sử ấy còn là dấu ấn của một nền văn minh lúa nước, với biết bao kinh nghiệm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Lịch sử ấy còn ghi đậm bước chân đô hộ của ngoại bang: từ giặc Tàu đến giặc Tây qua bao thời đại. Không biết tự bao giờ, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình lại trở nên gần gũi, thân thương với người Việt đến thế. Quanh năm, suốt tháng, người dân chỉ biết quanh quẩn sau lũy tre làng, với đồng ruộng, con trâu, cái cầy. Nền văn minh nông nghiệp đã hình thành trong tâm thức người Việt một ý thức hệ cộng đồng gắn bó, keo sơn. Ý thức hệ ấy ca tụng và đề cao tinh thần tập thể, đồng thời chú trọng đến quyền lợi và ích chung cộng đồng. Vì thế, đã có một thời, nền văn minh  ấy chỉ trích nặng nề cái tôi cá nhân, bất luận cá nhân ấy hành động đúng hay sai.

Thế nhưng ngày nay, cái kiểu tinh thần trách nhiệm tập thể vốn từng được ca tụng trước đây đã ngày càng trở nên lỗi thời. Thay vào đó, Chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, người ta tìm đủ mọi cách để khẳng định bản thân, thể hiện cái tôi của mình. Thật là một nghịch lý khi người ta chỉ thích nói đến cá nhân, vinh danh chính mình, nhưng lại tìm đủ mọi cách để đùn đẩy và trốn tránh trách nhiệm về bản thân mình. Tinh thần trách nhiệm cá nhân thực chất chỉ là những mỹ từ được bôi bóng và tô vẽ cách hoàn hảo, nhưng để thực hiện điều đó lại là cả một vấn đề.

Tại sao người ta sợ trách nhiệm cá nhân đến thế? Đó là một câu hỏi. Bởi lẽ, thực tế cho thấy: khi ai đó phải lãnh nhận một trách nhiệm gì trong cộng đoàn, trong tập thể, đồng nghĩa với việc họ phải trả một giá rất đắt cho kết quả của công việc sau này. Nhẹ thì bị nhắc nhở, khiển trách; nặng hơn thì bị sửa phạt, kiểm điểm; tệ hại hơn nữa thì cắt lương, đuổi việc… Vì thế, người ta sợ trách nhiệm đến độ kinh hãi. Họ tìm đủ mọi cách để đổ lỗi cho người khác, cho tập thể, miễn sao bản thân được an toàn. Người thời nay chỉ lo lắng vun vén cho bản thân mình, cho gia đình mình, mà quên đi tinh thần chung, tinh thần tập thể. Họ coi tập thể nơi họ học tập, sinh sống và làm việc chỉ như một quán trọ không hơn không kém. Họ dửng dưng, bàng quan trước mọi biến cố xảy đến với tập thể, với cộng đoàn. Thành ra, một thực tế thật phũ phàng là cá nhân thì thăng tiến, thăng hoa; còn cộng đoàn thì thụt lùi, suy sụp.

Vì thế, mỗi chúng ta hãy sống hết mình vì lợi ích chung, vì cộng đoàn, vì tổ chức, vì tập thể mình đang sống, học tập và làm việc. Hãy đánh thức bản thân bằng việc quan tâm đến ích lợi chung. Hãy bắt đầu bằng cảm xúc biết xấu hổ khi bản thân bạn đang đứng ngoài cuộc, để làm sống dậy tinh thần chung, tinh thần tập thể. Bởi lẽ, chỉ khi nào chúng ta sống cho người khác, hy sinh vì lợi ích mọi người, khi ấy chúng ta mới cảm thấy cuộc sống này đáng trân trọng và đáng quý biết bao.

 

 
Tác giả bài viết: M. Fx. Huyền Nhiệm – FMSR FMSR