Khiết tịnh độc thân: Tình yêu vô biên của Thiên Chúa

Một cam kết tình yêu chính yếu

Khi nói về lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh độc thân, người ta có thể thấy từ đó khía cạnh từ bỏ hôn nhân. Nhưng quan niệm như vậy là tiêu cực. Nhắm vào tình trạng không kết hôn tự nó không phải là một điều tốt. Nhấn mạnh đến cái người ta từ bỏ mà không phải là cái người ta đã tích cực dấn thân cho. Thách đố là phải nhìn khiết tịnh độc thân để làm gì, nó có ý nghĩa tích cực gì. Còn nhiều điều khác để nói về khiết tịnh hơn là một lối sống “không hôn nhân”.

Trong thời đại của chúng ta, mặc dù có những điều đáng phê phán về hôn nhân, có những yếu tố gây bất ổn và trung thành với lời cam kết trong hôn nhân, thì bậc sống này vẫn được xem như là một chọn lựa giá trị trong cuộc sống nhiều hơn là khiết tịnh độc thân. Bên cạnh đó, nền văn hóa ngày nay rất tạo cơ hội cho việc thỏa mãn tính dục trong hoặc ngoài hôn nhân. Đời sống đời khiết tịnh độc thân phản đối điều đó. Giáo Hội hôm nay khẳng định hơn rằng với vẻ đẹp và sự tốt lành của nó, hôn nhân thực sự đi theo Đức Ki-tô. Đó là một hình thức sống cương vị môn đệ được phần lớn các Ki-tô hữu chọn lựa. Trong bối cảnh này, ai sẽ đảm nhận sự khiết tịnh độc thân? Nếu khiết tịnh độc thân mang về ý nghĩa, tự nó phải là một chọn lựa tự do.

Vậy phải quan tâm đến câu hỏi, “ Tại sao tu sĩ chọn khiết tịnh độc thân?” Phải chân nhận rằng, ít thấy động lực cao cả trong lịch sử chọn khiết tịnh độc thân. Tuy nhiên, truyền thống đã chứng minh rằng tình yêu Kitô giáo là lý do chính yếu và tích cực nhất cho việc đảm nhận lối sống đó. Một bằng chứng rõ ràng là trường hợp của các tu sĩ ban đầu như các trinh nữ và góa phụ trong đời sống sơ khai của Giáo Hội. Các trinh nữ là những người đã từ bỏ hôn nhân vì tình yêu duy nhất dành cho Chúa Ki-tô. Các bà góa từ bỏ khả năng đi bước nữa để tận hiến hoàn toàn cho tình yêu Chúa bằng việc cầu nguyện và phục vụ người nghèo. Cùng một động lực yêu Chúa và tha nhân như thế trong thời đại của chúng ta là lý do tích cực để chọn khiết tịnh độc thân. Phải nói rằng, chính vì rất yêu Chúa Ki-tô nên người ta không thể không quyết định dâng mình trọn vẹn cho Ngài. Người ta chọn bước vào một cam kết tình yêu chủ yếu với con người của Đức Ki-tô. Người khấn khiết tịnh độc thân từ bỏ hôn nhân, chỉ vì hôn nhân là loại cam kết tình yêu với đối tượng khác. Như thế, độc thân khiết tịnh rất tích cực. Nó là một cam kết tình yêu chính yếu của người tuyên khấn với Chúa Ki-tô.

Vì vậy, độc thân khiết tịnh trước hết là một vấn đề của tiếng gọi tình yêu Ki-tô giáo và nhân loại. Độc thân khiết tịnh chẳng bao giờ có ý nghĩa cho những ai sợ yêu, cho những ai không có khả năng bước vào một cam kết tình yêu. Nó không phải là một sự chạy trốn khỏi những trách nhiệm và bổn phận của đời sống hôn nhân. Những người có thể đón nhận khiết tịnh độc thân là những người đã khám phá và tự do làm chủ ơn gọi Ki-tô hữu và ơn gọi làm người của mình để tận hiến cho tình yêu.

Nhưng khiết tịnh độc thân có thể thế nào được? Khiết tịnh độc thân được bén rễ sâu trong thực tại tình yêu ngập tràn của Chúa, tình yêu ấy chế ngự và làm cho một trái tim nhân loại, trong điều kiện của nó, có khả năng hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa trong tình yêu. Thực ra, đây là một ân ban cho một số người chứ không phải tất cả (x. Mt 19: 12). Về vấn đề này, việc khởi xướng thuộc về Chúa. Chính Chúa trong Đức Ki-tô trao dâng tình yêu của Ngài cho người mà Ngài gọi. Do đó phải nói rằng người chọn độc thân trước hết phải bị thương tích sâu xa bởi tình yêu của Chúa Ki-tô: được tình yêu của Chúa Ki-tô thu hút và chạm vào. Ở một thời điểm nào đó, trước khi tận hiến trọn đời, người tu sĩ chắc chắn phải đã yêu Chúa Ki-tô rất sâu đậm. Đây là kinh nghiệm và lời đáp trả nền tảng cho sự chọn lựa độc thân khiết tịnh của người tu sĩ, một lối sống hoàn toàn được tổ chức xoay quanh giá trị dâng hiến bản thân cho tình yêu Chúa Ki-tô.

Do vậy phải có hai dấu hiệu căn bản cần được xác nhận nơi các ứng sinh chuẩn bị tuyên khấn khiết tịnh: (1) khả năng tận hiến cho tình yêu (2) mức độ tình yêu mà họ đáp trả lại tình yêu vô biên của Chúa dành cho mình. Việc huấn luyện phải giúp “sinh ra” hai điều kiện tiên quyết này cho khiết tịnh độc thân nơi những ứng sinh đời tu.

Để duy trì đời sống khiết tịnh độc thân như là một cam kết tình yêu duy nhất với Chúa Ki-tô, cần phải có một đời sống cầu nguyện. Người tu sĩ cần phát triển sự thân mật đặc biệt với Chúa Ki-tô. Họ phải là người bạn thân thiết và yêu dấu nhất của Ngài.

Sản sinh tự do

Việc khấn khiết tịnh độc thân khiến người tu sĩ có vẻ đi đến khô cằn. Nhưng trọng tâm của chọn lựa này là cam kết tình yêu. Không gì có thể phủ nhận khả năng sinh sản của tình yêu; tình yêu thì luôn sáng tạo và phong nhiêu. Vì thế, dấu hiệu của việc sống khiết tịnh độc thân thực sự là sản sinh tự do nơi con người của tu sĩ .

Trước hết, khiết tịnh độc thân giúp tu sĩ ra khỏi sự chật hẹp và ngột ngạt của bản thân, ra khỏi thứ tình yêu ích kỷ. Văn hóa tiêu thụ của chúng ta trên tất cả là đi tìm cái tôi và những khát vọng dường như bất tận của bản năng. Tôi nhớ vào một buổi tối, vừa bước ra khỏi ga tàu ở quận Shibuya, Nhật Bản, nơi có nhiều bạn trẻ thường tụ tập. Đứng trước quảng trường, thật sốc khi tôi nhìn thấy có những biển quảng cáo thương mại điện tử và kỹ thuật số khổng lồ giăng khắp nơi, giữa các hình dáng màu sắc sặc sỡ, có một thông điệp: “Có tôi đây bạn sẽ được thỏa mãn mọi khát vọng.” Mọi thứ nhằm để thỏa mãn cái tôi.

Điều gì có thể lật đổ sự tìm kiếm thỏa mãn ngông cuồng như vậy? Chỉ có một thứ tình yêu hướng đến người khác mới có thể làm được điều đó. Và đây là thứ tình yêu ẩn chứa trong cam kết sống khiết tịnh độc thân. Tình yêu độc thân trinh trắng làm thay đổi mục đích, ích lợi và bận tâm của bản thân để hướng tới người khác. Nó mở ra cho người ta tầm nhìn và nới rộng chân trời của cuộc sống. Ra khỏi mình có người khác.Thiên Chúa và người khác đến trước. Khiết tịnh độc thân là một cam kết cho một tình yêu vị tha. Điều này không muốn nói rằng tu sĩ không có nguy cơ đặt mình làm trung tâm. Thậm chí với họ, chết cho tình yêu vị kỷ phải mất một thời gian và quá trình lâu dài. Nếu họ không đáp trả trước những đòi hỏi hàng ngày trong việc yêu thương những con người trong hay ngoài cộng đoàn, họ cũng có thể trở thành tù nhân của những ham muốn và nhu cầu của bản thân. Tóm lại, chỉ khi thực thi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, người ta mới có thể biến chuyển một con tim ích kỷ thành một con tim vị tha.

Thứ hai, khiết tịnh độc thân là một cam kết cho một tình yêu siêu việt. Nó tạo cho tu sĩ có động lực vượt lên trên chính mình, đủ mạnh và đáng để sống và chết vì tình yêu: đó là “ Thiên Chúa và  những gì thuộc về Ngài,” như Phao-lô đã nói trong thư thứ nhất gửi cho các tín hữu Côrintô. Theo thánh Tông Đồ, đồng trinh hay độc thân giải thoát người ta ra khỏi rất nhiều những mối bận tâm khác làm họ có thể lo lắng, để chỉ lo làm đẹp lòng Chúa và thực thi những công việc của Ngài ((1 Cor 7: 32-35). Thánh sử Mát-thêu chỉ ra rằng động cơ sống độc thân của Chúa Giêsu là hiến mình cho việc loan báo Nước Thiên Chúa (Mt 19:12). Chính sự say mê “ Thiên Chúa và công việc của Ngài” hay “vương quốc của Thiên Chúa” mà làm cho người ta có đủ khả năng để yêu thương. Tình yêu của họ đạt tới sự tròn đầy sẽ trở nên phì nhiêu, sản sinh những hoa trái phong phú tốt lành trong việc yêu Chúa và phục vụ  người khác. Điều này cũng giúp họ can đảm vượt qua những khó khăn và chướng ngại hầu như không thể vượt qua, thậm chí có thể phải hy sinh mạng sống mình. Khiết tịnh độc thân làm cho người tu sĩ  phục vụ một cách sáng tạo và hiệu quả.

Thứ ba, khả năng sinh sản của đức khiết tịnh độc thân đi vượt lên trên con người của tu sĩ. Nó mở ra với mọi đối tượng. Khiết tịnh độc thân giải thoát các tu sĩ khỏi chiếm hữu hướng đến một tình yêu tự do. Sẽ là một điều đáng chê trách nếu những người đã từ bỏ hôn nhân gia đình, bạn đời và con cái lại tìm cách sở hữu những người mà họ phục vụ và yêu thương. Khiết tịnh độc thân là một tình yêu không chiếm hữu.  Nó không chỉ tìm thúc đẩy người khác tự chủ và độc lập mà còn đặt người khác tự do đạt tới sự viên mãn của con người và tiềm năng của họ. Tu sĩ trung thành với lời khấn khiết tịnh nếu tình yêu của họ làm cho người khác trở nên tốt đẹp hơn; người khác trưởng thành và phát triển hơn về nhân bản và phẩm giá của những người con cái Thiên Chúa. Tình yêu độc thân không nhằm gắn kết người khác cho mình nhưng là cho Chúa và cho cộng đoàn.

Người tu sĩ có thể nhìn lên mẫu gương tình yêu tuyệt vời này của Chúa Giê-su. Tình yêu của Ngài là thứ tình yêu trao hiến vì cuộc sống của người khác. “ Tôi đến để họ được sống và sống dồi dào hơn. Tôi là mục tử tốt lành. Một mục tử tốt lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên “(Ga 10: 10-11). Đó là trao ban sự sống: sáng tạo sự sống và phục vụ sự sống của những người khác. Thánh Phaolo cũng có cùng thứ tình yêu trao ban sự sống ấy của Chúa Giêsu:” Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi “(Gal 2: 20).

Những lời của John Macquarrie là một diễn tả chính xác về một thứ tình yêu tự do và thí mạng sống như vậy vì tình yêu. “Tình yêu là ‘để cho là’, tất nhiên không phải, trong ý nghĩa là tách ra khỏi ai đó hay cái gì đó, nhưng trong ý nghĩa tích cực và chủ động tạo điều kiện cho là. Khi chúng ta nói ‘để cho là’, chúng ta muốn hiểu cả hai phần của biểu thức này có gạch nối trong ý nghĩa’ để’ như là cho phép, và ‘là’  như là được hưởng là ở mức tối đa, mở ra việc được quan tâm cách đặc biệt. Thông thường “để cho là” có nghĩa là giúp một con người nhận biết đầy đủ những tiềm năng của mình để được là; tình yêu vĩ đại này thật đắt giá, vì nó được thực hiện bằng việc phải tiêu hao chính con người của mình.

Một tình yêu bao hàm toàn thể

Khiết tịnh độc thân là một cách yêu thương minh họa cho tính bao hàm toàn thể của tình yêu Chúa Giêsu. Trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy tình yêu của Chúa Giêsu bao hàm triệt để. Ngài đón nhận mọi trẻ em và phụ nữ, người nghèo khó, bệnh tật và tội lỗi.

Ngài đã bước vào trong tương quan tình bằng hữu và trắc ẩn đối với tất cả những người bị loại trừ, bị thiệt thòi, bị bỏ rơi trong thời đại của Ngài. Chúng ta thấy Ngài luôn đi tới tình yêu vì người khác, vượt lên trên mọi ranh giới chuẩn mực của tôn giáo, xã hội, dân tộc Ngài. Ngài đã bước vào nhà của người thu thuế Za-kêu (Lc 19: 1-10), ăn tối tại nhà của Simon người Pharisiêu (Lc 7: 35-40), chữa lành người giúp việc của viên quan chỉ huy (Mt 8: 5-13), và trò chuyện với người phụ nữ Samaria (Ga 4: 1-26). Ngài đã bị chế giễu là người “ham ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7: 34-35). Tuy nhiên, chính bằng cách yêu thương tất cả này mà Đức Kitô đã tập hợp được các thành viên của cộng đoàn mới thành một gia đình của Thiên Chúa.

Khiết tịnh độc thân là một dấu chỉ sống động của thứ tình yêu bao hàm toàn thể của Chúa Kitô trong Giáo Hội và trong thế giới. Đó là một tình yêu mở rộng đến mỗi người và mọi người, nó không phải dựa trên bất cứ tương quan cha mẹ, máu huyết, vợ chồng hay kết nghĩa nào, mà chỉ trên nền tảng của một tình yêu Thiên Chúa, một thứ tình yêu ban tặng chân thành vì người khác. Đó là một tình yêu dành chỗ trong tim cho bất cứ ai đến với mình. Đó là một tình yêu không loại trừ ai, bất kể chủng tộc, giới tính, văn hóa, tôn giáo, đảng phái chính trị hay tình trạng kinh tế-xã hội nào. Nó cho phép người tu sĩ đi đến với tất cả mọi người, không loại trừ ai.

Thế giới của chúng ta hôm nay được đánh dấu bởi sự phân cách khác biệt rõ ràng. Điều này không chỉ đúng trong cảm thức về lượng mà còn cả về chất. “Đã bao giờ chúng ta bị đối mặt hoàn toàn với một thực tại khác biệt nào chưa? Chúng ta ý thức thế nào về sự khác biệt bị chống đối mãnh liệt? và ý thức thế nào khi chúng ta không có khả năng sống với sự khác biệt?Thế giới của chúng ta là một thế giới trở lại với những đồng nhất căn bản, thù hận với những cái khác, những giáo phái khác. Thách đố cho truyền giáo hôm nay là yêu người khác trong sự khác biệt của họ. Để đáp lại trước thách thức đó, một nhà truyền giáo chắc chắn cần phải được học trong trường mến khách.

Các sách Phúc Âm đều cho thấy thứ tình yêu bao hàm của Chúa Kitô đã được giải thích là tình mến khách của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thách thức những quan niệm chật hẹp và mức độ giới hạn của lòng mến khách, và đã loại trừ chúng ra khỏi ngay cả với những người có ít mong muốn được nối kết. Trong bữa tiệc của vương quốc Thiên Chúa, tất cả đều được mời tham dự, đặc biệt là những người theo quy ước không được coi là xứng đáng như người nghèo, người tàng tật, què, mù (xem Lc 14: 12-14, 15-24). Khiết tịnh độc thân là lòng mến khách giáo dục tâm hồn con người đón nhận tất cả những khác biệt. Nó có thể làm cho các tu sĩ  thành những nhà truyền giáo hiệu quả trong thời đại chúng ta, sẵn sàng tôn trọng và chấp nhận người khác với những khác biệt của họ. Tình yêu của họ là tiếng gọi làm chứng cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tình yêu chấp nhận không biên giới. Tình yêu của họ là một tình yêu truyền giáo, một tình yêu ôm choàng lấy tất cả mọi người.

(Còn tiếp)

Nt. Maria-Stephano, fmsr chuyển ngữ
Nguyên bản: Quirico T. Pedregosa, Jr., OP, Paradigm shifts in understanding of the vows