Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần V Mùa Phục Sinh

TUẦN V PHỤC SINH

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Ga 15, 1-8

“Cũng như cành nho
không thể tự mình sinh hoa trái,
nếu không gắn liền với cây nho,
anh em cũng thế,
nếu không ở lại trong Thầy.

(Ga 15,4)

Anh chị em thân mến.

Chúng ta vừa đọc lại một trong những đoạn Tin Mừng hay nhất trong đó Chúa muốn nói đến sự liên hệ giữa Chúa và những ai theo Người.

1. “Thầy là cây nho” và Chúa còn cẩn thận xác nhận thêm “cây nho thật”

Tại sao lại phải xác định như thế ?. Không phải vô tình mà Chúa nói như vậy. Đã có thật thì phải có giả. Vậy thì thật giả ở đây phải được hiểu như thế nào?

* Chắc chắn khi nói tới đặc tính thật của cây nho, Chúa không muốn nói đến một cây nho theo nghĩa khoa học. Ở đây Chúa muốn nhắm tới một ý nghĩa khác. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa ấy nếu chúng ta nhìn lại Lịch sử dân Do thái.

Như anh chị em đã biết: Dân Do thái là một dân tộc đặc biệt. Đây là dân được chính Chúa thiết lập. Người dành cho dân tộc này nhiều ưu ái khác thường. Và để diễn tả sự ưu ái của Chúa đối với dân tộc mình thì người Do thái hay thường hay ví công việc của Chúa làm cho họ giống như công việc của một người chủ vườn nho làm cho những cây nho trong vườn nho của mình. Ý tưởng này xuất hiện đầu tiên trong Thi thiên đoạn 80. Và sau đó cũng được các tiên tri sử dụng…đặc biệt trong tiên tri Isaia, Gêrêmia và Êzêkiel.

Sau thời các tiên tri thì hình ảnh về cây nho đối với người Do thái còn mang thêm nhiều ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Hình ảnh về cây nho đã trở thành biểu tượng có tính cách pháp lý, tượng trưng cho cả một dân tộc… Cho đến khi người Do thái đúc một cây nho bằng vàng và gắn ngay ở phía trên cửa chính của đền thờ thì lúc đó hình ảnh về cây nho không những đã là biểu tượng công khai tượng trưng cho cả dân tộc mà nó còn trở thành quốc hiệu đòi hỏi mọi người phải quí mến và tôn trọng. Nhiều lần người La mã đã muốn hạ cái biểu tượng này xuống nhưng đã bị người Do thái chống lại một cách quyết liệt cho nên cuối cùng chính những người La mã cũng không dám đụng tới. Người Do thái rất hãnh diện với hình ảnh này

Khi tuyên bố mình là cây nho thì Chúa đứng ngay ở dưới cái biểu tượng cây nho đẹp đẽ và đáng tự hào này của người Do thái. Và khi xác định thêm Ngài là cây nho thậtthì chắc chắn là Chúa cũng muốn cho người ta hiểu rằng dân Do thái không còn là dân riêng của Chúa nữa. Một số nhà chú giải cho rằng: Qua lời tuyên bố này Chúa muốn bảo với những người Do thái rằng Ngài không còn coi họ là cây nho của Chúa nữa mà chính Ngài, Ngài mới là cây nho đích thực của Thiên Chúa để rồi từ cây nho đích thực này, Ngài sẽ xây dựng nên một cây nho hoàn toàn mới. Cây nho ấy như thế nào thì các nhà chú giải Thánh Kinh đều nhất trí cho rằng: Đó là Giáo Hội mà Chúa sẽ khai sinh từ cạnh sườn của Người trên cây Thập giá. Sau này Thánh Phêrô đã hãnh diện nói với tất cả những ai tin Chúa như thế này: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là dân riêng của Chúa”

2. Và Chúa nói thêm :”Chúng con là cành nho”

Chúng ta phải hiểu lời này của Chúa như thế nào?

Quan sát một cây nho Tiến sĩ G.Campell Morgan giải nghĩa: Chúa không bảo Ngài là thân cây nho và chúng ta là cành của cây. Chúa bảo: “Ta là cây nho. Một cây nho chúng ta thấy nó có nhiều thành phần: Rễ, gốc, thân, cành, lá, tua, trái. Và khi Chúa nói :Ta là cây nho thì Chúa cũng muốn bảo ta là tất cả.

+ Vậy thì khi ví chúng ta như là những cành nho thì Chúa muốn nói điều gì? – Chúa muốn đề cập đến sự liên kết giữa chúng ta với Người. Sự liên kết mà Chúa nói với chúng ta ở đây là sự liên kết có tính cách bản chất, rất đặc biệt, chứ không phải chỉ là sự liên kết có tính cách hình thức, có tính cách kế cận hay chủng loại. Sự liên kết này làm cho hai chủ thể, hai nhân vị được có chung một nguồn sống, có chung một sinh hoạt và đem lại một kết quả chung.

Kinh thánh cho chúng ta nhiều soi sáng về vấn đề này: Khi hỏi Saolô trên con đường ông đi tìm bắt những người tin theo Chúa thì Chúa đã nói: “Tại sao ngươi tìm bắt Ta?” Chúa đã không nói: Sao ngươi đi tìm bắt những người tin kính Ta – Mà Chúa nói : Sao người tìm bắt Ta? Chính từ sự liên kết đặc biệt này mà sau này Thánh Phaolô đã dám nói “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Ktô sống trong tôi – Sự sống của tôi chính là Đức Kitô.”

Trong Tin Mừng Matthêô chương 25 khi Chúa nói về ngày phán xét, Chúa đã khẳng định: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta. Rất rõ rệt và cũng rất dứt khoát. Chúa Giêsu và những người tin Chúa đã trở thành một” một sự sống – Một hành động – một kết quả.

3. Vấn đề còn lại là: Khi đã được kết hợp đặc biệt với Chúa như thế thì cuộc sống của người tin Chúa phải là cuộc sống như thế nào?

Dứt khoát là phải sinh hoa kết trái nếu không thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa.

Nói tới đây tôi nhớ tới nhà văn hào Voltaire.

Năm 1778, ông bị thổ huyết. Quá lo sợ trước cái chết, ông cho người nhà đi mời Linh Mục cho ông. Và để cho Linh Mục tin là ông thật lòng trở lại, ông đã viết sẵn một bản tuyên ngôn nội dung như sau: “Tôi ký tên dưới đây hiện đang mắc bệnh thổ huyết nặng. Trước đây 4 hôm tôi đã xưng tội với Linh Mục Gauthier. Nếu Chúa gọi tôi về trong tuổi 81 này, tôi muốn chết trong Giáo Hội Công giáo là nơi tôi đã chào đời. Tôi hy vọng Thiên Chúa nhân từ sẽ tha hết các tội cho tôi và nếu tôi đã làm gương mù gương xấu thì nay tôi tha thiết xin Chúa bỏ qua cho tôi” Ký tên vào bản văn đó xong, Voltaire còn thêm mấy dòng nữa như sau: Cha Gauthier bảo cho tôi biết là một số người quả quyết với Ngài là hễ tôi khỏi bệnh, tôi sẽ lại chối phắt những công việc mà tôi đã làm trong cơn nguy tử. Tôi phản đối và quả quyết là sẽ không có chuyện như thế nữa. Đó là truyện bịa đặt mà người ta đã từng gán bậy cho nhiều nhà thông thái và sáng suốt hơn tôi”.

Và quả như người ta đã linh cảm trước. Voltaire lại thoát chết. Phái tự do tư tưởng và những đồ đệ của ông lại công kênh ông tới ráp hát. Và rồi tại nơi đây ông lại nuốt lời mà ông đã hứa.

Một lần nữa ông lại bị thổ huyết. Lần này ông cũng cho mời Linh mục tới nhưng bạn bè của ông bao vây không cho Linh mục tới gần. Ông tức giận nguyền rủa mọi người. Bạn bè nâng đỡ ông, ông cắn cả tay họ. Thống chế Richelieu chứng kiến những sự việc như thế cảm thấy rùng mình ghê sợ vừa bỏ ra ngoài vừa nói: “Thật là thảm bại.”

Ngày 30/5/1778 ông chết một cách khốn nạn sau những cơn quằn quại trong đau đớn và tuyệt vọng. Tổng Giám mục Paris đã từ chối không cho ông được an táng theo nghi lễ Công giáo. Đó là một cây nho không sinh trái.

Hãy sinh hoa trái.

Đây là lời kinh do Đức Hồng y Newman biên soạn, được các nữ tu thừa sai bác ái cầu nguyện mỗi ngày.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con toả lan hương thơm của Chúa nơi con sống.
Xin đong đầy lòng con, với thần khí và sức sống của Chúa.
Xin hãy thâm nhập bản thân con và gìn giữ con, để đời con phát toả sức sống của chính Chúa.
Xin ánh sáng Chúa dọi sáng qua con và ở lại nơi con, để mọi tâm hồn con tiếp xúc sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện nơi con.
Xin cho mọi người không thấy con, nhưng thấy Chúa nơi con.
Xin ở lại trong con, để con dọi sáng với ánh sáng của Chúa và mọi người được soi dọi bằng ánh sáng của con.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn mọi ánh sáng. Chẳng một tia sáng nhỏ bé nào là của riêng con. Xin Chúa soi dọi mọi người qua con.
Xin đặt lên môi miệng con lời ngợi ca sốt sắng nhất là dọi sáng những người quanh con.
Con mong rao giảng Chúa bằng hành động hơn bằng lời nói, bằng mẫu gương hành động của con và ánh sáng hữu hình của tình thương phát xuất từ Chúa thấm nhập vào lòng con. Amen.


THỨ HAI TUẦN 5 PHỤC SINH
Ga 14,21-26

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.
Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.
Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”
(Ga 14,23)

Hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi.

1. Sách Giáo Lý Chung số 234 dạy: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (DCG 43). “Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi” ( DCG 47).

Làm Kitô hữu là được gia nhập gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi Thiên Chúa đều yêu thương và chăm sóc chúng ta. Đó là một vinh dự và là một hạnh phúc to lớn. Chúng ta hãy hết lòng cảm tạ ơn Chúa.

Thái độ đối xử đúng nhất của Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa là nghe các giới răn Chúa truyền và tuân giữ.

Trong cuốn sách Tảng Đá Sống Động “The living stone”, có một câu chuyện như sau: Gionathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thần khả kính. Ngày vị thần sắp lìa trần, ông gọi Gionathan về để gặp lần cuối. Gionathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối của ông chỉ vỏn vẹn có mấy chữ “Hãy hành động vì lòng yêu mến”.

Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy ” (Ga 14,23). Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính. Tuy nhiên, một tình yêu đúng nghĩa là một tình yêu luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người mình yêu, chứ không dừng lại ở những rung động có tính cách xác thịt đầy lòng vị kỷ của mình (Mỗi ngày một niềm vui).

2. “Ai yêu mến Thầy, cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (Ga 14,23).

Thánh Phanxicô Assisi có lòng yêu mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng, ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được.

Đang khi hai người đi đường thì gặp một hành khất vừa mù, vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất:

– Nếu tôi chữa cho anh để anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không?

Người hành khất trả lời:

– Thưa Ngài, không những tôi yêu mến Ngài mà xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ Ngài.

Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên Ngài nói:

– Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, không những anh được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn, Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không yêu mến Ngài sao?

Yêu Chúa, đó là bổn phận của mỗi người chúng ta. Nhưng thế nào là yêu Chúa?

Yêu mến Chúa không phải chỉ là làm một số việc đạo đức bên ngoài như đọc kinh dâng lễ, còn cuộc sống thì sao cũng được. Yêu Chúa như thế chưa đủ mà còn phải sống nữa.

Một người thanh niên có lòng yêu mến cha mẹ nên mỗi lần, bạn ấy đi đâu bạn ấy đều xin phép cha mẹ. Một số bạn bè thấy thế liền cười nhạo:

– Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tuỳ ý.

Người bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng hợp lý hợp tình như thế này:

– Hẳn ba má đã không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi sẽ rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi.

Hẳn Chúa cũng rất vui khi chúng ta biết quan tâm lắng nghe và tuân giữ lời Ngài, để Ngài có thể đưa chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa!
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa. (Augustinô)


THỨ BA TUẦN 5 PHỤC SINH
Ga 14,27-31a

“Thầy để lại bình an cho anh em,
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”
(Ga 14,27)

Hôm nay, chúng ta suy niệm về sự bình an của Chúa.

1. Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của Chúa chỉ có khi con người có thể thốt lên như Thánh Phaolô “Lương tâm tôi không trách tôi điều gì ” (1Cr 4,4).

Một người hành khất có dáng vẻ băn khuăn tiều tụy lạ thường. Sau manh áo rách rưới, ông còn đeo trên cổ một Thánh Giá vàng mà ai cũng có thể trông thấy.

Ngày ngày, ông ta tới xin ăn trước cửa một nhà thờ ở Paris. Người quen thuộc nhất của ông là một Linh mục trẻ. Vị Linh mục thường đến dâng lễ ở nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, Linh mục thường có thói quen hỏi han và giúp đỡ người hành khất này.

Bỗng một hôm, vị Linh mục không thấy người ăn xin ấy trước cửa nhà thờ nữa. Ngài đã tìm đến để thăm và giúp đỡ người hành khất này đang lúc ông ta lên cơn rét run, vì bệnh tật và đói ăn.

Cảm động trước nghĩa cử của Linh mục, người hành khất đã kể lại cuộc đời mình cho Linh mục nghe. Ông tâm sự rất thật, không giấu diếm điều gì. Ông nói:

– Lúc cách mạng bùng nổ thì tôi đang làm quản gia cho một gia đình giầu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giầu lòng thương người. Thế nhưng, tôi đã phản bội họ. Quân cách mạng đã đến và đã bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con bị bắt giữ và bị kết án tử hình. Chỉ có người con trai duy nhất là thoát được.

Nghe tới đây, vị Linh mục cảm thấy choáng váng mặt mày. Nhưng rồi ngài cũng cố gắng lấy lại được vẻ bình tĩnh. Người hành khất khều khào nói tiếp:

– Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Quả thật, tôi là một con quái vật khát máu. Nhưng sau đó tôi bỗng ân hận. Tôi bị lương tâm giày vò. Tôi không thể nào có được sự bình an trong tâm hồn nữa và tôi bắt đầu đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để cố quên đi tội ác của mình…Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh gia đình họ trong túi áo này đây. Cây Thánh Giá treo ở đầu giường kia là của người chồng. Còn Thánh Giá bằng vàng tôi đeo đây là của người vợ… Xin Chúa tha thứ cho tôi.

Nghe xong những lời tâm sự và cũng là những lời tự thú trên đây, vị Linh mục trẻ quỳ gối xuống cạnh giường người hành khất đang hấp hối. Và thay cho một công thức giải tội, ngài nói:

– Tôi chính là người con trai còn sống sót của gia đình. Đại diện cho gia đình tôi và với tư cách là một Linh mục, tôi tha tội cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. (Người hành khất lạ thường)

Vâng, phải sống với một “Lương tâm không trách móc điều gì”, chúng ta mới có sự bình an của Chúa.

2. Thật chẳng có gì quý hơn một cuộc sống mà tâm hồn an bình thư thái. Muốn có được sự bình an đó, chính chúng ta phải tạo ra.

Lịch sử kể lại, Purna là một môn đệ của Đức Thích Ca. Một hôm, anh xin thầy cho anh được phép đi đến Sronapa-Ranta, một vùng còn bán khai để tiếp tục tu luyện và truyền đạo. Thấy môn sinh của mình có thiện chí nhưng Đức Phật vẫn sợ, sợ anh ta không kham nổi những thử thách tại nơi đó.

Đức Thích Ca cho anh biết:

– Nhân dân vùng Sronapa-Ranta còn rất man di. Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của họ là hiếu chiến, thích gây sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc đến đó, nếu họ nghi kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu khống con, con sẽ nghĩ thế nào?

Purna thưa:

– Nếu thật sự xảy ra như vậy, thì con nghĩ là: dân chúng tại đây vẫn còn tốt lành, vì họ chỉ lăng mạ con chứ không dùng võ lực, đánh đập và ném đá con.

Đức Thích Ca tiếp lời:

– Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con, thì con sẽ nghĩ thế nào?

Purna thưa:

– Trong trường hợp đó, con vẫn nghĩ dân chúng vùng Sronapa- Ranta còn tốt lành và thân thiện, vì họ không cột con vào cột để đánh đòn và không dùng khí giới sắc bén để sát hại con.

Nghe môn đệ nói như thế, Đức Phật không khỏi ngạc nhiên, Ngài hỏi tiếp:

– Nhưng nếu họ thật sự ra tay giết con, con nghĩ thế nào trước khi nhắm mắt lìa đời?

Không cần suy nghĩ lâu, Purna đáp:

– Nếu họ hại đến tính mạng con, con vẫn nghĩ họ là những người thật tốt lành và thân thiện, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hay hư nát này.

Nghe vậy, Đức Thích Ca bảo:

– Purna, con đã tu tâm dưỡng tánh đến nơi đến chốn để có được sự ôn hoà, kiên nhẫn hơn người. Thầy nghĩ con có thể sinh sống và truyền đạo cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi và giúp họ dần dần giải thoát khỏi bản tính hiếu chiến và bất nhân như chính con đã tự giải thoát mình khỏi những thiên kiến và những ý nghĩ hận thù, ghen ghét.


THỨ TƯ TUẦN 5 PHỤC SINH
Ga 15,1-8

“Hãy ở lại trong Thầy
như Thầy ở lại trong anh em.”
(Ga 15,4)

Hôm nay chúng ta suy niệm về sự sống trong Chúa Giêsu.

1. Chữ “Kitô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Đức Kitô”.

Cho nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên phải là cuộc sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài.

Một nhà truyền giáo sống tại Phi Châu, một lục địa còn sống rất xa đối với ánh sáng văn minh hiện đại.

Tại một trung tâm truyền giáo mà vị thừa sai kia làm việc, người ta mới mua được một máy điện nhỏ, để cung cấp điện cho trung tâm.

Vì nghe thấy tiếng máy nổ, một số những người sống chung quanh trung tâm, kể cả con nít lẫn người lớn, đã kéo nhau đến để xem tiếng nổ kia là gì.

Khi đến trung tâm, họ vô cùng ngạc nhiên, vì không hiểu tại sao lại có những chiếc đèn, dài có, tròn có, treo ngược ở trên trần nhà và đang tỏa sáng. Họ lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy nhà truyền giáo thắp sáng những ngọn đèn này mà không cần phải mồi lửa cho chúng. Họ chỉ thấy ngài sờ vào một cục gì đó ở trên tường, thế là ngọn đèn bỗng sáng trưng.

Một người trong nhóm đến xem, thấy ở trong góc nhà có một cái bóng đèn dài người ta bỏ đi đang nằm ở đó. Anh đánh bạo xin nhà truyền giáo.

Tưởng là người này xin bóng đèn kia về nhà trưng chơi, nên ông đồng ý.

Ít ngày sau, trong dịp đi thăm các gia đình, nhà truyền giáo ghé vào nhà của người hôm trước đã xin bóng đèn. Vừa bước vào trong căn nhà lụp sụp, nhà truyền giáo đã thấy ngay cái bóng đèn điện mà ngài cho hôm trước, được treo ở trên xà nhà, bằng một sợi giây. Ngài còn đang tủm tỉm cười về ý nghĩ thật đơn sơ của người dân ở đây, thì chủ nhà lên tiếng ;

– Thưa Cha, sao bóng đèn cha cho con chẳng sáng gì cả. Phải thắp sáng nó như thế nào hở cha?

Nhà truyền giáo phá lên cười rồi giải thích:

– Để cho đèn này sáng, cần phải có một dòng điện, phát ra từ một máy phát điện. Dòng điện này được dẫn đến bóng đèn bằng một dây kim loại. Ở đây không có điện, đàng khác bóng đèn này hư rồi, nên làm sao sáng được.

Ngày xưa, khi giảng về sự cần thiết phải liên kết với Chúa, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho.

Ngày nay, nếu Chúa có trở lại trần gian này để giảng cho chúng ta về đề tài phải liên kết với Ngài, có lẽ Ngài sẽ không dùng hình ảnh cây nho và cành nho nữa, mà có thể Ngài dùng hình ảnh bóng đèn điện, với máy phát điện.

Điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua hình ảnh cây nho và cành nho được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay, đó là chúng ta phải liên kết với Ngài để sức sống của Thiên Chúa được chuyển thông đến chúng ta. Đừng để bất cứ thứ gì cản ngăn sự chuyển thông đó.

2. Liên kết bằng cách nào đây?

Chúng ta có thể và phải kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô: bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành những lời Ngài dạy…Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là Kitô hữu thật, người ấy là cành nho khô, sớm muộn gì thì cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.

Hơn nữa, để cây nho được sai trái thì Chúa bảo cần phải cắt tỉa. Thánh Anphongsô đã được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc để Ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà Ngài làm luật sư. Thánh Ingatiô được cắt tỉa khi bị thương què chân trong một trận chiến.

Cắt tỉa là bị chặt đi, mất đi nhưng thử hỏi có cuộc đời nào mà chẳng được đánh giá bằng những cái mất và những cái được không. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất….Đức Hồng Y Etchegaray có lần đã nói: “Đứng trước cánh rừng, chúng ta không nên dừng lại ở tiếng ngã đổ của cây rừng, nhưng hãy lắng nghe âm thanh của những mầm non đang mọc lên.” (Mỗi ngày một tin vui).

Nếu Thánh Anphongsô đã không được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc để cho Ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà Ngài làm luật sư, cũng như thánh Ignatiô không bị cắt tỉa bằng việc bị thương què chân trong một trận chiến, thì chưa chắc gì các ngài đã tìm ra lý tưởng để đi theo. Chính nhờ sự cắt tỉa đớn đau đó mà các ngài đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi và đã đi theo Chúa, làm cho cuộc đời của mình đẹp hơn nhiều. Như vậy, các Ngài mất một điều nhưng được lại nhiều điều khác còn quý hơn.

Bài thơ của Tagore

Chỉ mong Ngài lấy đi
Mong chẳng còn gì thuộc về con,
Mong chẳng còn gì là của con.
Để con được trắng tay,
Con chỉ còn Ngài để giữ lấy,
Con được chọn Chúa mãi là của con.
Chỉ mong Ngài xóa đi
Mong chẳng còn gì để chiếm hữu,
Mong chẳng còn gì ràng buộc con.
Để con được ngước lên
Con tìm được Ngài là chân lý.
Con được cùng Chúa đồng hành luôn.
Chỉ mong Ngài cất đi,
mong chẳng còn gì để nắm giữ,
mong chẳng còn gì mà tự tôn.
Để con chỉ biết yêu,
Yêu một mình Ngài trọn đời con.


THỨ NĂM TUẦN 5 PHUC SINH
Ga 15,9-11

“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy,
anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy.”
(Ga 15,10)

Nói tiếp về việc “Sống trong Chúa”.

1. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con. Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ những lệnh truyền của Chúa Cha. Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này, và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy, đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một. Do đó, yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp giữa hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.

Tình yêu đòi hỏi phải chấp nhận thói quen của người mình yêu. Khi ta quen và chấp nhận những chi tiết nhỏ trong cuộc sống của người khác, tức là ta đã thực sự yêu người đó. Tình yêu là sự thừa nhận của ta đối với thói quen của người khác. Nấc thang cao nhất trong tình yêu chính là thừa nhận và chấp nhận thói quen của người mình yêu.

Đây là câu chuyện xảy ra tại Belfast bên xứ Iceland:

Một linh mục công giáo, một mục sư tin lành, và một giáo trưởng Do thái, đang tranh luận rất sôi nổi về vấn đề thần học. Thình lình một Thiên Thần hiện ra giữa họ và nói:

– Thiên Chúa chúc lành cho các ngươi. Các ngươi hãy nói lên một ước nguyện về hòa bình và Thiên Chúa toàn năng sẽ chấp nhận.

Thế là vị mục sư tin lành liền khẩn cầu:

– Xin Chúa cho tất cả mọi người Công Giáo biến khỏi mảnh đất thân yêu này thì hòa bình sẽ trở lại tức khắc.

Vị Linh mục công giáo thì cầu nguyện:

– Xin đừng để cho một người Tin Lành nào còn có mặt trên mảnh đất Iceland thân yêu này, và hòa bình sẽ trở lại.

Vị giáo trưởng Do thái thì lại cúi đầu thinh lặng. Thấy thế Thiên Thần liền hỏi:

– Còn ngươi, hỡi giáo trưởng, ngươi không có ước nguyện nào ư?

Ông ta liền thưa:

– Vâng, tôi không có điều gì để xin nữa. Tôi chờ cho lời cầu của hai vị này được Chúa chấp nhận là tôi mãn nguyện rồi.

Tình yêu đòi hỏi phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đó cũng là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Giềng mối của mọi đố kỵ, chia rẽ dẫn đến bạo động, hận thù và chiến tranh chính là thái độ bất khoan dung.

2. Trái lại nếu con người biết tôn trọng những khác biệt của người khác, thì cuộc sống giữa người với người chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.

Đức Giám Mục Helder Camara, vị tông đồ nổi tiếng của người nghèo xứ Brasil, đã ghi lại trong tập thơ của Ngài mang tựa đề “Có muôn ngàn lý do để sống” câu chuyện sau đây:

Bên cạnh nhà tôi có một con sáo, quanh năm ngày tháng sống giữa trời. Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi sáo có nơi ngủ không. Nó ngạc nhiên trả lời:

– Có chứ, màn là trời, chiếu là đất, có bao giờ thiếu đâu.

Với những đòi hỏi của trí khôn, con người muốn biết mọi chuyện, tôi mới tò mò hỏi nó:

– Thế thì những lúc mưa gió, sáo trú ẩn mình nơi đâu?

Sáo nhanh nhẩu trả lời:

– Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?

Tôi hỏi nó có đói không. Con chim chỉ mỉm cười đáp:

– Điều tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà.

Nói thế rồi nó cất tiếng hót như sau:

– Hỡi loài người kiêu ngạo, hãy nói cho ta biết đi, liệu các ngươi không chết sao?

Có lần, tôi nài nĩ con sáo nhận món quà tôi biếu, đó là khúc bánh mì kẹp thịt. Thế là sáo lại được dịp cười nhạo sự ngây ngô của tôi. Nó bảo:

– Ông không biết loài sáo chúng tôi không ăn bánh mì và thịt như các ông à?

Một lần khác tôi hỏi sáo có cầu nguyện không? Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười và nói:

– Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót.

Ngày kia, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện nhờ các bác sĩ khám bệnh và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.

Nguyên nhân của những nỗi bất hạnh nơi con người là việc con người không biết chấp nhận tư tưởng, hành động và cách sống của nhau.

Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ, hành động và sống như mình. Ý thức hệ nào cũng tự cho mình là ưu việt và muốn áp đặt trên mọi người bằng mọi cách.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thay đổi tấm lòng, mang lấy một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, để chúng con góp phần vào việc kiến tạo nên một thế giới, trong đó mỗi người chúng con biết sống quảng đại với nhau hơn. Amen.


THỨ SÁU TUẦN 5 PHỤC SINH
Ga 15,12-27

“Điều Thầy truyền dạy anh em là
hãy yêu thương nhau.”
(Ga 15,17)

Hôm nay, chúng ta suy niệm về việc Kitô hữu phải yêu mến nhau.

1. Những tiếng “Yêu thương”, “Tình gia đình”, “Huynh đệ”, “Chia sẻ”, “hiệp thông”… là những từ ngữ được nói quá nhiều nhưng nhiều khi chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản. Chính chúng ta cũng rất nhiều lần nói như thế. Ước gì từ nay chúng ta nói những chữ ấy một cách thật lòng, nhất là nói với những người cùng niềm tin, cùng lý tưởng với chúng ta.

2. “Điều Thầy truyền dạy cho anh em là hãy yêu thương nhau ” (Ga 15,17).

Chúa muốn thế, nhưng hình như còn rất nhiều người chưa sống được như thế.

Đây là một câu chuyện đã xảy ra ở bên Trung quốc, một quốc gia có truyền thống của Đạo Khổng, đạo luôn khuyên dạy mọi người hãy sống với nhau như anh em một nhà (tứ hải giai huynh đệ).

Mỗi năm, cứ vào khoảng từ 23 tháng chạp đến tết, là đất Trung Quốc nhộn nhịp hẳn lên vì đó là thời gian chuẩn bị cầu Phúc. Năm đó, trong khoảng thời gian này, Lỗ Tấn gặp thím Tường Lâm cứ lang thang ở ngoài đường giữa lúc trời lạnh giá. Thím là một nông dân cần cù. Chồng trước thì chết sớm, chồng sau chết vì thương hàn, thằng con nhỏ thì bị chó sói vồ…Dân chúng đã không thương thì chớ lại còn bày chuyện nói rằng, mai sau thím sẽ bị cưa đôi để chia cho hai con ma chồng. Bị dân làng nghĩ như thế cho nên thím luôn phải sống trong sợ hãi. Ai cũng nói thím là đồ ô uế. Chủ nhà không cho thím sờ tay vào các lễ vật, dù đó chỉ là cái chân đèn…Sống trong hoàn cảnh như thế, thím từ từ suy sụp và sinh hoảng loạn. Rồi một hôm kia thím bỏ nhà ra đi.

Lỗ Tấn nhìn thấy tóc thím trắng xóa, tay thím xách cái làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, còn tay kia thì cầm cây gậy trúc đầu toe tóe, lang thang trên đường, miệng lẩm bẩm gọi tên con mình. Không chịu nổi tiết trời lạnh lẽo, thím nằm chết trên một đống tuyết vào lúc giao thừa đến, pháo nổ vang trời. Các gia đình giàu có mở cửa ra, thấy vậy, không những đã không thương còn quát lên: “Tại sao chết vào lúc tao đang cầu phúc?”.

Vâng! nếu chúng ta không cẩn trọng có thể cũng có lúc chúng ta cũng chẳng kém ác tâm vô cảm như thế với những anh chị em của chúng ta.

+ Trái lại, nếu người ta biết yêu thương nhau thực sự như Chúa mong muốn, thì hạnh phúc chẳng cần đi tìm, tự nhiên nó sẽ đến.

Một vị đạo sĩ kia kể rằng, ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường, ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với người Tây Tạng đồng hành:

– Chúng ta mau lại giúp đỡ người gặp nạn đó!

Nhưng người Tây Tạng trả lời:

– Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta đang bị giá lạnh đe dọa.

Nhưng vị đạo sĩ nói:

– Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cũng nên chết vì đã giúp người khác, đó là điều tốt đẹp hơn.

Nói rồi vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ đem người đó xuống núi, trong khi người Tây Tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành người Tây Tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta mệt quá, ngồi nghỉ và bị lạnh cóng chết lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm, nhờ đó mà ông đã thoát chết vì lạnh.

3. Chúa còn nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Yêu thì phải hy sinh. Một vị Giám mục kia nói: “Tình yêu không có hy sinh là tình yêu giả. Và hy sinh không vì tình yêu là hy sinh thừa”.

Hồi còn học ở Tiểu chủng viện, tôi có được xem một cuốn phim mà nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ nội dung của nó. Cuốn phim có tựa đề là “Anh phải sống”. Nội dung cuốn phim nói về việc hai vợ chồng nọ quá nghèo, nên phải đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trên đường về, họ gặp trời giông bão. Họ bị nước cuốn trôi đi. Họ bám được vào một khúc cây nhưng khúc cây quá nhỏ chỉ đủ cho một người bám. Họ không thể kéo dài mãi tình trạng hai người cùng bám vào khúc cây này. Kéo dài thêm thì sẽ chết cả hai. Trước tình trạng đó, đòi hỏi họ phải có một sự lựa chọn. Người chồng bảo người vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo người chồng “anh phải sống”. Cuối cùng, người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và cho con.

Vâng, yêu thương là hy sinh, yêu thương chính là quên mình.

Hãy biết yêu như Chúa để chúng ta được xứng đáng là môn đệ của Ngài: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau.” (Ga 13,35)


THỨ BẢY TUẦN 5 PHỤC SINH
Ga 15,18-21

“Thầy đã chọn,
đã tách anh em khỏi thế gian,

nên thế gian ghét anh em.”
(Ga 15,19)

Cuộc sống của Kitô hữu ở thế gian.

Chúa Giêsu cho mọi người biết: “Vì các con không thuộc về thế gian… nên thế gian ghét các con” (Ga 15,19).

Chúng ta không nên cố tình chọc tức thế gian, nhưng đừng quên Lời Chúa: Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17,16). Chúng ta là những người đang sống trên đất.

Đây mời anh chị em nghe một đoạn trích thư gửi cho Điônhêtô mô tả về chân dung người Kitô hữu thời đó:

Các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một nếp sống khác lạ.

Giáo Lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số người khác.

Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin.

Họ sống ở quê hương mình mà như những khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như những người khác, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, và quê hương nào cũng là đất khách đối với họ.

Họ lập gia đình và sinh con đẻ cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ.

Họ sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ sống ở trần gian nhưng họ là công dân Nước Trời. Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách sống của họ vượt trên những đòi hỏi của luật pháp.

Họ yêu thương mọi người, nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận, lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống. Họ là những người hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người nên giàu. Họ thiếu thốn mọi thứ, nhưng lại dư dật mọi sự.

Họ bị sỉ nhục, nhưng giữa những sỉ nhục, họ lại được vinh quang. Danh thơm của họ bị chà đạp, nhưng bằng chứng về đời sống công chính của họ lại được phô bày. Bị nguyền rủa, họ chúc lành; bị đối xử nhục nhã, họ tỏ lòng kính trọng.

Khi làm điều thiện, họ lại bị trừng phạt như những kẻ bất lương. Khi bị trừng phạt, họ vui mừng như được sống. Người Do Thái giao chiến với họ như với ngoại bang, còn dân ngoại thì ngược đãi họ, và những kẻ ghét họ không thể nói lý do tại sao lại căm thù họ.

Tôi xin nói đơn giản như sau: hồn ở trong xác thế nào, thì các Kitô hữu sống giữa thế gian cũng thế. Linh hồn ở khắp các chi thể thế nào thì các Kitô hữu cũng ở mọi thành thị trên thế giới như vậy. Linh hồn ở trong thân xác nhưng không do thân xác, thì các tín hữu cũng ở trong thế gian nhưng không bởi thế gian. Linh hồn vô hình được gìn giữ trong thân xác hữu hình, thì người ta nhìn thấy các Kitô hữu sống trong thế gian, nhưng không thấy lòng đạo đức của họ.

Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm hại gì cho xác thịt, mà chỉ ngăn không cho nó hưởng lạc thú; thế gian cũng ghét các Kitô hữu như vậy, dù họ không gây thiệt hại gì cho nó, mà chỉ chống lại các lạc thú.

Linh hồn yêu thân xác, nhưng thân xác và các chi thể lại ghét linh hồn; các Kitô hữu cũng yêu những kẻ ghét mình. Linh hồn bị giam giữ trong thân xác, nhưng thực ra chính linh hồn lại chứa đựng thân xác; các Kitô hữu cũng bị giam giữ trong thế gian như trong tù, nhưng chính họ lại chứa đựng thế gian.

Linh hồn bất tử ở trong nhà tạm phải chết; các Kitô hữu sống giữa những thực tại hay hư nát như khách lữ hành, đang khi đợi chờ sự trường tồn trên thiên quốc. Nhờ ăn uống kham khổ, linh hồn nên tốt hơn; nhờ chịu cực hình, các Kitô hữu ngày một thêm đông nhân số.

Thiên Chúa đã đặt các Kitô hữu vào tình trạng như thế, thì họ không nên trốn tránh…

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Cha Piô:

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.
Cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa,
và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.
 (Cha Piô)

Lm. Giuse Đinh Tất Quý