Chúng ta có thể và phải làm cho mọi sự tốt đẹp hơn

5 điểm quan trọng nhất trong tông thư Laudato Si của giáo hoàng Phanxicô về biến đổi khí hậu

thankyou.jpg

 

Tông thư  của Giáo hoàng Phanxicô về chăm sóc tạo vật, vừa được phát hành sáng nay, thứ năm 18-6, và một lần nữa, Giám mục thành Roma lại cho chúng ta một tuyệt tác.  Văn bản này đóng một vai trò then chốt trong Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc tại Paris vào tháng 11 này, và cũng sẽ là điểm tranh luận tham chiếu cho chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Vậy chính xác thì giáo hoàng nói gì trong tông thư? Đây là 5 điểm nổi bật nhất trong bản văn mà Đức Phanxicô xem là ‘đối thoại với tất cả mọi người về mái nhà chúng của chúng ta.’

 

 *****************************************************************

 

1. Biến đổi khí hậu có thật, và đang tồi tệ hơn.

 

Dù một vài chính trị gia vẫn tranh luận về việc biến đổi khí hậu có thật hay không, thì giáo hoàng Phanxicô lại không lăn tăn chút nào: ‘Biến đổi khi hậu là một vấn đề toàn cầu với sự can hệ lớn đến môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và việc phân bổ của cải. Nó là một trong những thách thức chính mà nhân loại phải đối mặt thời nay.’ ‘Nếu cứ tiếp tục theo chiều hướng hiện thời, thì thế kỷ này sẽ chứng kiến sự biến đổi khí hậu trầm trọng, và sự hủy hoại chưa từng có của hệ thống sinh thái, với các hậu quả nghiêm trọng cho tất cả chúng ta .’

 

2. Nhân loại là tác nhân chính của biến đổi khí hậu.

 

Trong khi nhiều người nhận rằng biến đổi khí hậu có thật, thì vẫn còn một số người tin rằng nhân loại không có tác động gì trong đó. Khoa học thì lại nói ngược lại, và giáo hoàng Phanxicô cũng nói rằng con người có gây tác động đến Trái đất. ‘Chúng ta đã xem mình là chủ nhân ông, và cho mình quyền cướp phá trái đất tùy ý.

 

3. Biến đổi khí hậu tác động lớn hơn đến người nghèo. 

 

Giáo hoàng Phanxicô nói rằng, ‘Tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, có lẽ sẽ rơi vào những nước đang phát triển trong các thập niên sắp đến. Nhiều người nghèo sống ở những vùng bị tác hại nghiêm trọng do hiện tượng nóng lên này, và phương thế sinh tồn của họ phần nhiều dựa vào sản vật tự nhiên và hệ thống sinh thái, như nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp.’ Sự bất bình đẳng về môi trường này, gây nên một hiện tượng kinh tế lạ lùng: Những nước nghèo thường mang nợ tài chính các nước giàu. Thế giới đang có một sự mà giáo hoàng Phanxicô gọi là ‘điều mà xã hội đang nợ người nghèo … bởi họ đang bị chối bỏ quyền có một đời sống thích đáng với những phẩm giá không thể tách rời của họ.’

 

4. Chúng ta có thể và phải làm cho mọi sự tốt đẹp hơn

 

Một vài nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu tin rằng tiến trình này là không thể đảo ngược, và đã đi quá xa rồi. Nhưng Đức Phanxicô, với tông thư đầu tiên mang tên Niềm vui Tin mừng, lại nói rằng ngài không tin là chúng ta nên thả trôi hi vọng. ‘Nhân loại, trong khi có thể làm những chuyện tồi tệ nhất, cũng có thể vươn lên khỏi chính mình, một lần nữa chọn lựa xem điều gì là tốt, và bắt đầu một khởi đầu mới.’

 

5. Mỗi một cá nhân đều có thể chung tay, nhưng các chính trị gia phải là người đi đầu.

 

Đức Phanxicô lập luận rằng trách nhiệm cá nhân là một bước quan trọng để đảo ngược biến đổi khí hậu, nhưng cần có các biến đổi về mặt chính trị và cơ cấu để có được sự thay đổi lâu dài. ‘Tất cả mọi nỗ lực bảo vệ và phát triển thế giới của chúng ta, cần có những thay đổi tận căn trong lối sống, trong các phương thức sản xuất và tiêu thụ, cũng như trong những cơ cấu quyền lực đang điều hành xã hội.’ Một vài chính trị gia cho rằng Giáo hoàng Phanxicô và Giáo hội Công giáo nên tránh xa thảo luận về biến đổi khí hậu, và ‘để khoa học cho các nhà khoa học.’ Nhưng Đức Phanxicô và Giáo hội biết rằng, bảo vệ tạo vật, trước hết và trên hết, là một vấn đề luân lý và lòng đạo. Bảo vệ tạo vật là lời đáp với yêu cầu Chúa đặt ra cho chúng ta là gìn giữ, bảo vệ và nuôi dưỡng tạo vật. Đức Phanxicô từng nói rằng ngài hi vọng các chính trị gia thời nay sẽ mang trách nhiệm này trong lòng, khi bàn đến các vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta: ‘Tôi nguyện xin Thiên Chúa cho chúng ta thêm các chính trị gia thực sự day dứt vì tình trạng xã hội, vì người dân, vì đời sống của người nghèo!’

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 18.06.2015/ TIME – Christopher J. Hale – 18/6/15)