Lời Chúa: Chúa Nhật 2 Phục Sinh (năm B) – Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Bài Giáo lý I về cuộc sống Kitô hữu: Tin, Yêu và giữ Giới Răn

 
CHÚA NHẬT 2 Phục Sinh (năm B) 
CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Lời Chúa: 

 Ga 20,19-31

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. (Ga 20,25)

 
Suy niệm: 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Mặc dù đã được tái sinh thành con Chúa qua bí tích Rửa tội, chúng ta vẫn còn rất yếu như một đưa trẻ sơ sinh. Chúng ta cần được nuôi dưỡng thêm  bằng Lời Chúa và bánh Thánh thể. Chúng ta cần được nâng đỡ bởi một cộng đoàn. Nhất là chúng ta cần được tác động bởi Chúa Thánh Thần. Ngày xưa Đức Giêsu phục sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ, thì hôm nay chúng ta cũng xin Ngài ban Thánh Thần cho chúng ta và nói với chúng ta “Bình an cho chúng con”.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

  • Chúng ta còn ích kỷ, cần được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta tình bác ái huynh đệ.
  • Chúng ta còn hoài nghi, cần được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lòng tin tưởng cậy trông.
  • Chúng ta còn yếu tin, cần được Chúa Thánh Thần giúp cho đức tin chúng ta vững mạnh thêm.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I : Cv 4,32-35

Trong hai tác phẩm của mình là sách Tin Mừng và sách Công vụ, Thánh Luca thường viết những bảng toát yếu để thỉnh thoảng tóm lược lại những điểm chính của những đoạn mà Ngài đang viết. Trong phần thứ nhất của sách Công vụ (1,12—5,42) mô tả cách sống của các tín hữu trong giáo đoàn Giêrusalem tiên khởi, có 3 bảng toát yếu tóm lại những nét chính của cuộc sống này (2,42-47 ; 4,32-35 ; 5,12-16). Đoạn được chọn hôm nay là bảng toát yếu thứ hai. Ngoài những nét chung với 2 bảng toát yếu kia, nét riêng biệt của bảng này là việc để của riêng thành của chung :

  • Đây không phải là một quy định có tính bó buộc (xem Cv 5,3-4 lời Phêrô nói với Khanania : “Khi đất còn đó, nó chẳng là của anh sao ? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó sao ?”), nhưng là việc làm tự nguyện để thực thi cách cụ thể giới luật yêu thương, vì yêu thương không phải chỉ bằng tình cảm hay bằng lời mà còn phải bằng hành động cụ thể.
  • Thể thức : các tín hữu bán những bất động sản như ruộng đất, nhà cửa rồi đem tiền giao cho Hội Thánh giữ. Hội thánh phân phối lại cho các tín hữu theo nhu cầu từng người. Như thế, có kẻ góp ít (hoặc không góp gì) mà được hưởng nhiều và có kẻ góp nhiều mà được hưởng ít. Nhưng không ai phân bì, vì họ đã ý thức việc chia xẻ cho nhau.
  • Kết quả là trong giáo đoàn không có ai phải túng thiếu.

2. Đáp ca : Tv 117

(như Chúa nhật I Ps)

Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

3. Bài Tin Mừng : Ga 20,19-30

Đoạn này tường thuật hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh với các tông đồ cách nhau 8 ngày :

– Trong lần hiện ra thứ nhất, Đức Giêsu cho các ông thấy tay và cạnh sườn Ngài (tức là thấy những vết thương Ngài đã chịu trong cuộc chịu nạn). Khi thấy những dấu chứng đó, các tông đồ đã tin rằng người đang ở trước mặt họ là Thầy họ nên họ vui mừng. Sau đó, Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các ông và sai các ông đi (nhưng chưa nói là đi đâu và đi để làm gì). Nhưng lần đó không có mặt Tôma. Khi Tôma trở về và được các tông đồ kia thuật lại thì ông không tin. Ông đòi điều kiện là phải thấy (chẳng những thấy mà còn sờ) những thương tích của Đức Giêsu thì mới tin.

– 8 ngày sau, Đức Giêsu hiện ra lần thứ hai. Lần này có mặt Tôma. Đức Giêsu bảo riêng Tôma hãy đưa tay ông ra chạm trực tiếp vào các vết thương của Ngài. Nhưng khi đó Tôma không còn bảo lưu yêu cầu thấy của mình nữa. Ông tuyên xưng đức tin ngay. Ông gọi Đức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa”. Tôma đã vươn tới mức độ cao của đức tin : tin mà không cần thấy.

Như thế đoạn Tin Mừng này trình bày hai mức độ tin : mức độ thấp là tin vì thấy, nghĩa là tin dựa vào bằng chứng ; mức độ cao là tin mà không cần thấy, nghĩa là tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.

Đức Giêsu đánh giá mức độ thứ hai là cao hơn, và kêu gọi chúng ta – qua lời nói với Tôma – hãy cố vươn lên mức độ cao ấy : “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con tin. Nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin”.

4. Bài đọc II : 1 Ga 5,1-6

Lý do khiến thánh Gioan viết bức thư này là để giúp tín hữu khỏi bị lây nhiễm những tư tưởng sai lệch của thuyết ngộ đạo.

Nói một cách rất tóm lược, thuyết ngộ đạo chủ trương rằng chỉ cần biết (“ngộ”) thì được cứu độ. Đành rằng “biết” là một điều rất quan trọng (trong quyển Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan cũng rất nhấn mạnh vào sự “biết” này), nhưng sai lầm của thuyết này là do quá đề cao sự “biết” nên bỏ đi hai điều khác cũng quan trọng không kém, đó là tin và yêu. Trong đoạn thư này, thánh Gioan lưu ý tín hữu về hai điều ấy :

  • Tín hữu là người đã tin rằng Đức Giêsu là Kitô. Mà tin vào Đức Giêsu Kitô thì cũng phải yêu mến Đấng đã sinh ra Đức Giêsu Kitô, tức là Thiên Chúa.
  • Mà làm sao để biết mình yêu mến Thiên Chúa ? Thưa là qua cách sống cụ thể là thực hành các giới răn của Ngài.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Hành trình của Tôma

Hành trình của Tôma đi qua ba giai đoạn : vắng mặt – hồ nghi – và tuyên xưng đức tin. Đó cũng là hành trình đức tin của kitô hữu chúng ta.

  • Khi Đức Giêsu hiện ra lần thứ nhất, Tôma không có mặt, cho nên ông không tin. Ông đòi thấy bằng chứng rồi mới tin. Thế nhưng nếu có bằng chứng rồi thì đã là chuyện hiển nhiên, đâu còn phải là đức tin nữa. Đức tin không thuộc phạm vi khoa học hay lý luận, nên không dựa trên bằng chứng.
  • Nhưng đức tin không phải là mù quáng. Tuy không đòi bằng chứng nhưng phải có lý do. Lý do để tin là lời làm chứng của những người có uy tín. Tôma chưa tin khi nghe lời thuật của các bạn, nhưng khi nghe lời của Đức Giêsu thì ông tin ngay. Sau này ông còn trở thành nhân chứng để cho nhiều người khác cùng tin nữa. Tin theo lời làm chứng của ai đó bao hàm một tình cảm với người đó : vì mình có tình cảm với người đó nên khi người ấy nói thì mình tin. Điều này làm nên giá trị của sự tin vào lời chứng, cho nên Đức Giêsu nói “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”.
  • Lý do để tin còn là những dấu chỉ. Dấu chỉ Đức Giêsu cho Tôma là những thương tích của Ngài. Chỉ cần thấy những dấu chỉ ấy, ông không đòi đụng chạm và sờ mó nữa, ông tin ngay. Ngày nay chúng ta không thấy Chúa, nhưng chúng ta có những dấu chỉ Ngài ban, đó là các bí tích, các biến cố và gương sống quảng đại của các tín hữu nhiệt thành. Chính chúng ta cũng phải là những dấu chỉ cho người khác nhận biết Chúa.

2. Hạnh phúc của tín hữu Giêrusalem

Các tín hữu Giêrusalem đã thể hiện đức tin bằng việc chia xẻ, không phải chia xẻ những cái mình dư thừa mà chia xẻ chính tiền bạc và tài sản của mình. “Đồng tiền liền khúc ruột”, chia xẻ tất cả tiền bạc của mình là chia xẻ chính sự sống của mình.

Kết quả của chia xẻ như thế là trong Hội Thánh không có ai bị túng thiếu và mọi người đều hạnh phúc.

Gương của các tín hữu Giêrusalem cho chúng ta hiểu được rằng : một đức tin sống động sẽ biến thành tình yêu. Và khi sống đức tin và tình yêu như thế thì người ta sẽ hạnh phúc, vì khi đó người ta sống sự sống của chính Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và chia xẻ.

3. Dấu chỉ của yêu thương

Làm sao biết được người đó thực sự yêu thương ta ?

  • Có phải vì người đó luôn quấn quít bên ta ? Chưa chắc.
  • Có phải vì người đó thường tặng quà cho ta ? Chưa chắc.
  • Có phải vì người đó đề nghị sống chung với ta ? Chưa chắc.

Người thương ta thật là người tế nhị biết ý của ta và luôn làm theo ý ta.

Đó là điều Thánh Gioan nói : “Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa, là chúng ta thực hành các giới răn của Ngài”.

4. Phúc cho ai không thấy mà tin

Bài Tin Mừng này khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

Điều thứ nhất khiến tôi suy nghĩ là điều kiện mà Tôma đặt ra : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Mặc dù xem ra Đức Giêsu không tán thành thái độ của Tôma, nhưng trong thâm tâm tôi, tôi vẫn tán thành, bởi vì đó là thái độ của người chín chắn, cẩn thận, không nhẹ dạ. Trong những giao tế xã hội, tôi vẫn giữ thái độ cẩn thận ấy. Chẳng hạn khi tôi đi mua hàng, tôi không thể chỉ dựa vào những lời quảng cáo của người bán hàng để rồi mau chóng tin theo mà bỏ tiền ra mua ngay một món hàng mà tôi chưa thử. Huống chi câu chuyện mà Tôma nghe các bạn thuật lại là một chuyện “động trời” chưa bao giờ xảy ra : một người chết sống lại ! Đòi hỏi phải kiểm nghiệm xong rồi mới tin là một đòi hỏi hợp lý.

Nhưng khi tôi tán thành với Tôma, phải chăng là tôi không tán thành với Đức Giêsu ? Ngài đòi tôi “không thấy mà tin”. Phải chăng Ngài đòi hỏi một điều không hợp lý ?

Suy nghĩ thêm, tôi mới hiểu rằng Đức Giêsu không coi nhẹ sự hợp lý, nhưng Ngài đề cao sự hợp tình. Trong tương quan giữa những người yêu thương nhau, không nên cái gì cũng đối xử với nhau bằng lý, mà phải đối xử với nhau bằng tình. Thí dụ cha mẹ nói với đứa con rằng “Con đừng thọc tay vào ổ điện nhé, điện giật chết đấy !” Nếu đứa con không tin, đòi thử nghiệm xong rồi mới tin thì nó sẽ ra sao ? Nó phải tin cha mẹ chứ, vì nó biết cha mẹ yêu thương nó. Vì Đức Giêsu yêu tôi nên Ngài có quyền đòi hỏi cao hơn sự hợp lý, Ngài có quyền đòi hỏi sự hợp tình.

Tôi cũng suy nghĩ về chữ “Phúc” trong câu Đức Giêsu nói với Tôma : “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Đọc Tin Mừng theo Thánh Matthêu, tôi đã biết có tám mối phúc. Bây giờ tôi biết thêm mối phúc thứ chín nữa. Tại sao không thấy mà tin thì có phúc ? Tôi nghĩ rằng hạnh phúc thường đi đôi với tình yêu. Khi yêu ai thì người ta dễ tin vào người ấy. Tin thể hiện Yêu, và chính vì yêu nên hạnh phúc. Đến đây tôi khám phá một dây liên hệ giữa ba điều : Yêu – Tin – và Hạnh phúc.

Và kết luận tôi rút ra được từ bài Tin Mừng này là :

  • Trong tương quan với những người không thân thiết lắm, tôi có thể cẩn thận đòi hỏi sự hợp lý.
  • Nhưng trong tương quan với những người thân yêu, tôi phải cư xử sao cho hợp tình.
  • Nhất là trong tương quan với Chúa, tôi phải tin Ngài để chứng tỏ là tôi yêu Ngài. Và nếu tôi tin yêu Ngài như thế thì tôi là người hạnh phúc.

5. Thấy bằng trái tim

Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện về vị tu sĩ Hồi Giáo Nasruddin như sau :

Một ngày nọ, nhà của thầy bốc cháy. Để được an toàn, thầy vội trèo lên mái nhà. Các bạn hữu tụ tập bên dưới rất lo lắng, vì mạng sống Thầy chỉ còn “ngàn cân treo sợi tóc”. Họ liền căng một tấm thảm, giữ lấy bốn góc rồi giơ cao và hô lớn :

– Nhảy đi, Thầy nhảy xuống đi !

Thầy Nasruddin nói :

– Không được, tôi không nhảy đâu. Thế nào các anh cũng rút tấm thảm đi, để biến tôi thành một trò hề !

– Ôi, Thầy ơi ! Không phải trò đùa đâu, Thầy nhảy mau đi !

Thầy Nasruddin vẫn ngoan cố :

– Không ! Tôi chẳng tin ai cả. Cứ trải thảm xuống đất đi, tôi sẽ nhảy.

*

Tin là chấp nhận bấp bênh, là chấp nhận có thể bị lừa dối. Nhưng không thể sống mà không tin. Người ta không thể nói : “Có thấy mới tin”. Trên đời này có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin. Chẳng ai thấy rõ lòng dạ con người, nhưng họ vẫn tin vào tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn, tình làng xóm… Người ta cũng không thể nói : “Tôi chỉ tin vào Chúa nếu có bằng chứng”. Paul Misraki nói : “Nếu bạn chỉ đợi có bằng chứng mới tin, thì đức tin đã trở thành khoa học rồi”.

Khủng hoảng lớn nhất của thế giới ngày nay là khủng hoảng niềm tin. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi hãy giữ vững niềm tin.

  • Tin vào Thiên Chúa và tin vào con người.
  • Tin vào thế giới do Người tạo nên.
  • Tin vào cuộc đời mà Người gởi ta đến.
  • Tin vào vẻ đẹp và hạnh phúc Người tặng ban.

“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga.20,28). Người tín hữu Kitô là những người không thấy mà tin. Họ không thấy Chúa bằng con mắt thường, nhưng họ thấy Người bằng con mắt đức tin. Họ không thấy Chúa bằng giác quan, nhưng họ thấy Người với cả trái tim. Thiên Chúa muốn cho giác quan chúng ta ra tăm tối, để niềm tin được ăn rễ sâu trong Người.

Miguel de Unamuno viết : “Tôi tin vào Thiên Chúa như tin vào một người bạn, vì tôi cảm nhận được hơi thở tình yêu của Người, cảm nhận được bàn tay vô hình và khả giác của Người tác động đến tôi”.

Nhà sinh vật học Jean Henry Fabre sau 87 năm khảo sát và suy tư đã phải thốt lên : “Tôi không thể nói rằng tôi tin vào Thiên Chúa, mà là tôi trông thấy Người”. Thấy Chúa là Cha rất nhân từ hằng yêu thương chăm sóc con người, và thấy mọi người là anh em với nhau. Cha Michel Quoist có viết : “Tin Chúa, không phải là hướng mắt về Người để chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là nhìn vào trần gian với ánh mắt của Đức Kitô”.

*

Lạy Chúa, xin cho chúng con được thấy Chúa đi ngang qua cuộc đời chúng con, để chúng con tin Chúa đang sống động, hiện diện, thật gần, ngay bên cạnh chúng con, trong cuộc sống và trong người anh em. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

6. Mảnh suy tư

  • Điều cốt yếu thường không nhìn thấy được.
  • Thế giới hữu hình chỉ là một phần của thế giới rộng lớn hơn bao gồm nhiều điều vô hình.
  • Nhiều khi thị giác, thính giác và xúc giác lại là trở ngại cho cảm xúc và suy nghĩ.
  • Đôi khi cần phải tin thì mới thấy được.
  • Tối quá người ta không thấy, nhưng sáng quá người ta cũng chẳng thấy.

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế : Anh chị em thân mến, thánh Tôma đã đòi đụng chạm đến Đức Giêsu Phục sinh để có dấu hiệu chắc chắn nâng đỡ niêm tin của mình. Niềm tin của chúng ta cũng còn yếu kém lắm, chúng ta hãy sốt sắng nguyện xin :

1. Xin cho Hội thánh Chúa ngày nay / là những người chỉ gặp Đức Giêsu trong đức tin / luôn vững tin vào Chúa Phục sinh / để nâng đỡ niềm tin cho nhiều người khác.

2. Xin cho những người còn “cứng lòng tin” trên khắc thế giới / có được cơ hội gặp gỡ Đức Giêsu để dẹp bỏ thành kiến và mặc cảm / mà đón nhận tình thương cứu độ của Người.

3. Xin cho những người đang gặp khủng hoảng về đức tin / hoặc đánh mất niềm tin vì gặp nhiều gian nan thử thách / tìm được những người biết cảm thông và chia sẻ niềm tin cho họ.

4. Xin cho mọi người trong họ đạo chúng ta biết nêu gương sáng về đức tin cho nhau / bằng việc sống đức tin và truyền bá đức tin cho người khác.

Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã phán rằng : “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con là những người không được thấy Chúa, cũng luôn vững vàng tin rằng Chúa đã sống lại và ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa là đáng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Việc sống lại cũng như việc hiện ra của Chúa là dấu chỉ của Đức Tin, nhưng con lại rất thích những hiện tượng kỳ lạ, không chú trọng đến những dấu chỉ. Con thích xem những việc mới lạ, nhưng không chú tâm đến ý nghĩa của nó.

Lạy Chúa, xin cho con có được một tầm nhìn nhạy bén đối với các dấu chỉ, để trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, giữa giòng đời hôm nay và bên những người cùng sống với con, con có thể nhận ra được dấu chỉ của lòng thương xót Chúa.

Xin dạy con biết cách yêu thương như Chúa. Yêu thương không chỉ là trao cho nhau những nụ cười xã giao, cũng không phải nắm lấy tay nhau để chào hỏi những câu dư thừa, hay chúc bình an cho nhau mà trong lòng vẫn còn tức tối. Nhưng yêu thương là phải thật lòng tha thứ cho nhau.

Xin Chúa thương ban bình an cho chúng con như xưa Chúa đã ban cho các môn đệ sau khi Chúa sống lại. Amen.

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái