“Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”
Đnl 4, 32-34.39-40 ; Rm 8, 14-17;
Mt 28, 16-20
1. Hành trình phụng vụ và Lễ Chúa Ba Ngôi
Lễ Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta cử hành trọng thể hôm nay, là điểm tới của cả một hành trình phụng vụ thật dài. Hành trình này bắt đầu với Tuần Thánh, vốn là trung tâm của năm phụng vụ; và trong Tuần Thánh, chúng ta đã tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su-Ki-tô, Chúa chúng ta.
Sau Tuần Thánh, chúng ta được dẫn vào mùa Phục Sinh, là mùa vừa mới kết thúc cách đây một tuần. Vì thế, chúng ta còn nhớ rõ, có nhiều mầu nhiệm lớn được cử hành trong mùa Phục Sinh: mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Ki-tô, mầu nhiệm Lên Trời của Ngài, mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống, mà chúng ta mới cử hành vào Chúa Nhật tuần trước.
Và sau cùng, hôm nay chúng ta tôn vinh cách trọng thể Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy, tại sao chúng ta không tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi ngay từ đầu, nhưng phải đợi đến bây giờ, ở cuối một hành trình phụng vụ thật dài? Chúng ta có thể đoán ra lí do một cách dễ dàng. Bởi lẽ, điều này có một lí do rất đơn giản: chúng ta không thể hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi bằng lí thuyết hay bằng những kiến thức đến từ những định nghĩa, diễn giải hay suy tư trong sách vở, nhưng chỉ bằng kinh nghiệm mà thôi: kinh nghiệm nơi sáng tạo, nơi lịch sử và nhất là nơi cuộc đời mình, hành động yêu thương và yêu thương đến cùng của Thiên Chúa, là Cha, là Con và là Thánh Thần.
Khi mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta được mời gọi không chỉ ca mừng Chúa Ba Ngôi, nhưng còn khám phá những lí do để cho lời ca mừng trở nên đích thật, đó là đọc lại đời mình, dưới ánh sáng của hành trình phụng vụ, để nhận ra tất những gì Thiên Chúa, là Cha, là Con và là Thánh Thần “đã làm” cho chúng ta một cách thiết thân. Cũng giống như trong một gia đình, những người con chỉ hiểu và yêu mến cha mẹ, “ca mừng” cha mẹ, sau khi đã nhận ra ơn sự sống, ơn tha thứ và tất cả những gì cha mẹ đã làm cho mình.
Một cách cụ thể, Lời Chúa trong các bài đọc trong Thánh Lễ kính Chúa Ba Ngôi hôm nay sẽ giúp chúng ta nhận ra, đón nhận và sống “ơn sủng Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”, vốn là lời ước nguyện mà Giáo Hội dành cho chúng ta mỗi ngày, khi cử hành Thánh Lễ.
2. Ba Ngôi Thiên Chúa
a. Ơn sủng của Đức Giê-su Ki-tô
Qua phép rửa, nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta được trở nên môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô. Được trở nên môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô là ơn sủng của mọi ân sủng, bởi vì Người chia sẻ tất cả những gì là của Người cho chúng ta: Lời của Ngài, Mình và Máu của Ngài, Cha của Người và tình yêu của Người. Chúng ta được mời gọi lắng nghe Người trong mọi sự và ở mọi lúc mọi nơi, với tư cách là môn đệ, để yêu mến và đi theo Ngài hơn, thay vì đi theo, nghĩa là làm nô lệ cho một ai khác hay một điều gì khác.
Và vì là môn đệ, chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su Ki-tô, như Thánh Phao-lô nói: “vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8, 17)
b. Tình yêu của Chúa Cha
Bài đọc 1, trích sách Đệ Nhị Luật, nói cho chúng ta về Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng: “Từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất…”. Chiêm ngắm công trình tạo dựng (x. St 1), chúng ta sẽ nhận ra rằng, Thiên Cha tạo dựng con người không vì điều gì và không cho điều gì khác hơn là Tình Yêu, bởi vì Người là Tình Yêu, dù con người có ra như thế nào.
Thực vậy, vì tình yêu nhưng không, Ngài đi vào tương quan thiết thân với một dân tộc, là Israel, để vừa tỏ bày cho loài người biết thế nào là tình yêu, vì tình yêu chỉ có thể được bày tỏ qua tương quan một-một, và thế nào là tình yêu trung tín bất chấp sự bất trung của con người.
Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện cách trọn vẹn và đi đến cùng nơi Đức Giê-su Ki-tô, nhưng không phải dành cho một dân tộc, nhưng dành cho muôn dân và cho từng người chúng ta.
c. Ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần
Và thánh Phao-lô trong thư gởi tín hữu Roma, nói cho chúng ta về ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần: Ngài dẫn chúng ta vào tương quan thiết thân giữa Chúa Cha và Chúa Con, không phải trong sự sợ hãi của người nô lệ, nhưng với tư cách là nghĩa tử:
- Chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Abba”, như Đức Giê-su Ki-tô.
- Và vì là con, nên chúng ta được đồng thừa kế với Đức Giê-su Ki-tô, Con Duy Nhất của Thiên Chúa Cha.
Như thế, nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, chúng ta không chỉ trở nên môn đệ, nhưng còn trở nên con của Thiên Chúa và như thế trở nên anh em chị của Đức Giê-su Ki-tô, và anh chị em của nhau.
Chúa Thánh Thần vẫn luôn mở lòng chúng ta để đón nhận ơn huệ cao cả này, vẫn luôn giúp chúng ta sống, vẫn luôn thúc đẩy chúng ta làm chứng và chia sẻ ơn huệ làm môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô và làm con Thiên Chúa, để muôn dân trở thành anh chị em của nhau; và như thế trở thành một như Thiên Chúa Ba Ngôi là một, nhờ, với và trong Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
- “Xin ban cho con ân sủng và tình yêu”
Dưới ánh sáng Lời Chúa trong Thánh Lễ kính Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi nhớ lại mọi ơn lành đã lãnh nhận từ Ba Ngôi Thiên Chúa: ơn tạo dựng, ơn cứu chuộc và các ơn riêng; để qua đó, chúng ta có thể nhận ra Người hiện diện và hành động trong thế giới sáng tạo, trong lịch sử loài người và nơi từng người chúng ta, và nhất là nhận ra mọi sự tốt lành, chẳng hạn khả năng của con người, sự công chính, lòng nhân từ, lòng thương xót… đều đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa, như những tia sáng từ mặt trời chiếu xuống, như nước trong nguồn chảy ra.
Nhớ lại mọi ơn huệ và hiểu biết thâm sâu như thế về tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ có lòng ước ao yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự, với lòng biết ơn; và có thể thân thưa với Chúa mỗi ngày và suốt đời:
Lạy Chúa, Xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con. Lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa hết thảy. Tất cả là của Chúa.
Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa. Vì được như thế, là đủ cho con. Amen.
(Sách Linh Thao, số 234)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc